Friday, 4 November 2016

Để học sinh không bao giờ viết sai chính tả

GD&TĐ - Cô Phùng Thị Cẩm Loan – Giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) – trong quá trình giảng dạy đã thống kê được các lỗi chính tả học sinh thường mắc phải, đồng thời chia sẻ giải pháp khắc phục tình trạng này.

Các lỗi chính tả thường gặp
Đánh sai vị trí thanh điệu: Qui tắc đánh thanh điệu trong Tiếng Việt là đánh đúng vào trọng âm. Nhưng vẫn còn một số học sinh viết sai vị trí, ví dụ: Khoẻ đẹp, toạ độ, Khaỏ cổ,…
Qui tắc viết hoa: Trong văn bản Tiếng Việt có những nguyên tắc viết hoa nhất định như: Viết hoa đầu dòng, viết hoa tên riêng, viết hoa địa danh,…nhưng một số học sinh lại mắc phải lỗi này. Ví dụ: Xuống dòng không viết hoa; tên riêng không viết hoa…
Về âm đầu: Học sinh viết lẫn lộn một số chữ cái ghi các âm đầu sau đây: gi - d (cái giỏ / cái dỏ,…); r - d, g (cá rô / cá dô, cá gô,…); s - x (chim sáo/ chim xáo,…); tr - ch (tre /che; trồng cây/chồng cây,…); v - qu (vàng /quàng, va/qua…); th - h ( thỏ / hỏ,…). Trong các lỗi này, lỗi về ch/tr, s/x, v/d là phổ biến hơn cả.
Về âm cuối: Học sinh thường viết lẫn lộn chữ ghi âm cuối trong các vần sau đây: an/ang: bàng bạc, bàng học, cây bàn,…; at/ac: rẻ mạc, lường gạc, xơ xát,…; ăt/ăc: ăn mặt, giặc giũ,…; ân/âng: Tần nhà, hụt hẫn,…; ât/âc: bật thang, nổi bậc,..; ên/ênh: ghập ghền,nhẹ tên,bấp bên,khấp khển,…; êt/êch: con ết, trắng bệt,…
Về thanh điệu: Tiếng Việt có 6 thanh điệu (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) nhưng đa số học sinh chưa phân biệt được hai thanh hỏi, ngã; trong khi đó, số lượng tiếng mang hai thanh này rất phổ biến trong Tiếng việt. Ví dụ: dẩn dắt, giử gìn, lổi lằm, lẩn lộn,…
Cung cấp cho học sinh một số qui tắc viết đúng chính tả
Ghi nhớ một số mẹo luật chính tả: Luật bổng - trầm: Trong các từ láy điệp âm đầu, thanh (hay dấu) của 2 yếu tố ở cùng một hệ bổng (ngang/sắc/hỏi) hoặc trầm (huyền/ngã/nặng). Để dễ nhớ, giáo viên giúp học sinh thuộc 2 câu thơ:
"Em Huyền mang nặng, ngã đau
Anh Ngang sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào"
Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).
Đối với từ Hán - Việt: Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là: d (dũng, dữ, dưỡng...) , l (lãm, lãnh, lĩnh, lễ, liễu, lỗi...) , m (mẫu, mã, mẫn, mỹ, miễn...), n, nh, ng, ngh (não, ngã, ngãi, ngũ, nghĩa, nghĩ, nghiễm...), v (vãng, vỹ, võ, vũ, võng...).
Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là: ch (chuẩn, chỉnh, chuyển, chưởng...), gi (giải, giả, giảng, giản...), kh (khải, khả, khởi, khuẩn, khẩn, khổ, khuyển...), và các từ Hán- Việt không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.
Phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch, ví dụ: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chõ, chĩnh, chuông, chiêng, chóe,… chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu, chào mào, chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, chìa vôi…
Phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sứ, sung, sắn, sim, sao, su su, sầu đâu, sa nhân, sơn trà, sậy, sấu, sến, săng lẻ, sầu riêng, so đũa… sam, sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa, sáo sậu, sư tử, sơn dương, san hô…
Phân biệt các vần dễ lẫn lộn: Một số từ có vần ênh chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc: Gập ghềnh, khấp khểnh, chông chênh, lênh đênh, bập bềnh, chếnh choáng, chệnh choạng, lênh khênh, bấp bênh, công kênh…
Hầu hết các từ tượng thanh có tận cùng là ng hoặc nh: oang oang, đùng đoàng, loảng xoảng, đoàng đoàng, sang sảng, rổn rảng, ùng oàng, quang quác, ăng ẳng, ằng ặc, oăng oẳng, răng rắc, sằng sặc, pằng pằng, eng éc, beng beng, chập cheng, leng keng, reng reng, phèng phèng, lẻng kẻng, lẻng xẻng, ùng ùng, đùng đùng, thùng thùng, bình bịch, thình thịch, thình thình, rập rình, xập xình, huỳnh huỵch…
Vần uyu chỉ xuất hiện trong các từ: khuỷu tay, khúc khuỷu, ngã khuỵu, khuỵu chân; vần oeo chỉ xuất hiện trong các từ ngoằn ngoèo, khoèo chân...
Giáo viên cần ghi nhớ những từ ngữ thường dễ mắc lỗi chính tả thông qua việc cho học sinh đọc sưu tầm thơ, ca dao hoặc yêu cầu các em tìm đọc các tác phẩm ở thư viện của những tác giả có trong chương trình.
Rèn luyện kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh
Bước đầu cho học sinh luyện tập viết những đoạn văn để rèn luyện. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đổi đoạn văn cho nhau để bắt và sửa lỗi chính tả tại lớp.
Sau đó, nâng lên luyện tập thành một bài văn nghị luận và cho các em đổi bài làm văn cho nhau để bắt và sửa lỗi chính tả đối với những bài tập về nhà.
Cô Phùng Thị Cẩm Loan – giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp)
Nguồn: Giáo dục thời đại

No comments: