1. Làm tốt công tác tư tưởng cho GV lớp 1.
Như đã trình bày ở trên, tất cả GV khi thực hiện chương trình
CGD đều mang một tâm trạng lo lắng. Xuất phát từ sự chưa hiểu về quan
điểm dạy học CGD, từ khả năng tiếp cận và thay đổi thói quen của
bản thân và một phần chưa thực sự tin tưởng vào tính ưu việt của bộ
tài liệu này. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác tư tưởng cho GV thì
rất có thể việc thực hiện dạy học theo tài liệu CGD sẽ không triệt
để dẫn tới thất bại.
Để khắc phục tình trạng
trên, ngay từ đầu BGH cần có kế hoạch để làm tốt công tác tư tưởng cho
GV lớp 1, giúp họ hiểu và hiểu rõ về chương trình, về quan điểm dạy
học và PP dạy học, giúp họ tự tin trước khi thực hiện. Một số biện
pháp để làm công tác tư tưởng cho GV có thể áp dụng:
- Giải đáp một cách thuyết phục những băn khoăn vướng mắc của
GV về những vấn đề liên quan đến dạy học TV1 CGD.
- Đưa ra những minh chứng cho thấy đây là bộ tài liệu đã đươc
áp dụng thành công ở nhiều nơi với những kết quả và phương pháp
giáo dục tiến bộ.
- Khẳng định về khả năng cũng như năng lực thực hiện dạy học
TV1 CGD của GV. Giúp họ tự tin và thấy rằng, nếu cố gắng học hỏi,
mình có thể làm tốt.
- Không tạo áp lực cho Gv, không giao phó hoàn toàn cho họ. Cần
giúp họ thấy rằng bên cạnh họ luôn có người đồng hành, cùng học,
cùng làm, sẵn sàng chia sẻ với họ những vấn đề mà họ mắc phải và
tự tin là sẽ khắc phục được.
2. Nắm vững và hỗ trợ kịp thời về nội dung chương trình, qui
trình và phương pháp dạy học .
Để có thể thực hiện việc hỗ trợ, trước hết bản thân người
làm quản lí phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nắm vững những
vấn đề cơ bản của dạy học TV1 CGD. Khác với dạy học thông thường,
bản chất của CGD là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng
một qui trình kĩ thuật được xử lí bằng giải pháp nghiệp vụ. Nó
đòi hỏi mỗi Gv lên lớp không chỉ hiểu và nắm vững qui trình dạy học
mà còn phải xử lí quá trình dạy học bằng những giải pháp nghiệp
vụ “nhà nghề”. Thứ mà như GS Hồ Ngọc Đại đã nói là “chỉ có người
có nghề mới làm được”. Tiêu chí nhà nghề đó theo tôi, phải được thể
hiện qua 2 mặt trong dạy học, đó là am
hiểu về nội dung và thuần thục
trong phương pháp.
a. Về nội dung.
chương trình TV1 CGD được
thiết kế với 4 bài cụ thể: Tiếng;
Âm; Vần; Nguyên âm đôi.
Với bài đầu tiên “Tiếng” học sinh lần đầu tiên biết được và biết cụ thể, tường minh dưới dạng
một khái niệm khoa học “ tiếng là một khối âm toàn vẹn được tách ra
từ chuỗi lời nói” thông qua các thao tác như tách lời nói thành từng
tiếng rời; mô hình hóa dưới dạng các vật thay thế….
VD: Lời nói: “Tháp muười đẹp nhất bông sen” được tách ra thành
các tiếng rời. Mỗi lần phát âm chỉ được một tiếng, thay mỗi tiếng
bằng một mô hình để HS biết rằng mỗi tiếng là một khối nguyên và
được tách ra từ trong lời nói.
Với bài Âm, cũng ngay từ đầu, rất rõ ràng học sinh được học cách
lấy các âm từ trong tiếng với các
thao tác phân tích tiếng thành các đơn vị ngữ âm nhỏ nhất là âm vị
(Ba- b- a - ba). Ở đây, học sinh lại được tiếp tục rút ra các khái
niệm khoa học từ các thao tác như phát âm, phân tích bằng tay, bằng
miệng, nhận xét luồng hơi khi phát âm để nhận ra đâu là nguyên âm, đâu
là phụ âm. Đồng thời hiểu một cách cụ thể vì sao nó là nguyên âm
và vì sao nó lại là phụ âm. Sau đó học cách ghi lại các âm đó bằng
các kí hiệu (bờ-b, nờ- n…). Như vậy, CGD đưa học sinh đi từ âm đến
chữ( Khác với trước đây chương trình hiện hành dạy học từ chữ đến
âm).
Đến bài “ Vần”, CGD không cung cấp mà giúp học sinh tạo ra các
vần mới dựa trên các âm đã học một cách có hệ thống với 4 kiểu
vần: Vần chỉ có âm chính; Vần có âm chính và âm cuối, Vần có âm
đệm và âm chính và cuối cùng là vần có đủ âm đệm, âm chính, âm
cuối. 4 kiểu vần có mối liên hệ chặt chẽ, logic có thể thấy rõ
trong quá trình tạo ra các kiểu vần mới.
VD:Từ mẫu “Ba” học sinh được học cách mô hình hóa để nhận ra:
Vần chỉ có âm chính, kiểu vần 1.
- Từ kiểu vần 1: Vần chỉ có
âm chính. thêm âm đệm( bằng thao tác làm tròn môi các nguyên âm không
tròn môi) ta có kiểu vần 2: Vần có âm đệm và âm chính.
- Từ kiểu vần 1: vần chỉ có âm chính: Thêm âm cuối ta có kiểu
vần 3: Vần có âm chính và âm cuối.
- Từ 2 kiểu vần 2 và 3, học sinh có 2 cách để tạo ra kiểu vần
4.
+ Cách thứ nhất: Làm tròn môi vần có âm chính và âm cuối để
tạo thành vần mới: VD: Làm tròn môi vần an để có vần oan : an - o-an
oan bằng cách thêm âm đệm o vào trước vần an. Đánh vần: o-an-oan
+ Cách thứ 2: thêm âm cuối vào vần có âm đệm và âm chính để
tạo thành vần mới. VD: oa-n-oan. Thêm âm n vào sau vần oa. Đánh vần:
oa-nờ-oan.
Song song với việc học các vần mới theo 4 kiểu vần đã học học
sinh cũng đồng thời học cách tạo ra các tiếng mới làm phong phú thêm
vốn ngôn ngữ của mình qua 2 thao tác: thêm âm đầu và thêm thanh hoặc
thay âm đầu và thêm thanh.
Bài nguyên âm đôi là bài học sau cùng trong chuỗi kiến thức ngữ
âm TV trong chương trình TV1 CGD. Bằng phát âm học sinh nhận ra được
nguyên âm đôi; bằng luật chính tả học sinh biết cách ghi nguyên âm đôi.
Đến đây học sinh đã có thể xử lí mối quan hệ âm-chữ một cách tinh
tế, chuẩn xác nhất với việc 1 âm được ghi bởi 2 - 4 con chữ. Như vậy,
có thể thấy các bài học trong chương trình TV1 CGD được sắp xếp theo
một trật tự tuyến tính, lo gic và khoa học thể hiện nguyên tắc phát
triển trong xây dựng chương trình.
Xen lẫn trong 4 bài là hệ thống các qui tắc chính tả( luật
chính tả ) được cung cấp và củng cố thường xuyên, gặp đâu dạy đấy;
gặp đâu, nhắc đấy như là một thói quen của dạy học TV1 CGD.Tất cả
làm nên một chương trình CGD với hệ thống kiến thức về cấu trúc ngữ
âm hoàn chỉnh và hết sức tường minh mà bất cứ một GV tiểu học nào
cũng cần phải nắm rõ, đặc biệt là CBQL và GV dạy lớp 1. Việc nắm
chắc kiến thức, nội dung và đặc biệt là quan điểm dạy học theo tài
liệu CGD giúp cho người quản lí bất cứ lúc nào cũng có thể kiểm
tra, góp ý và điều chỉnh quá trình dạy học của GV nhằm hướng tới
một các đích duy nhất: Kết quả.
b. Về phương pháp.
Phương pháp dạy học theo thiết kế của GSTSKH Hồ Ngọc Đại là
một hệ thống các việc làm được thiết kế cho từng bài, từng mẫu.
Theo lí thuyết của ông thì Việc làm là đơn vị tổ chức cơ bản, có
giá trị lí thuyết và thực tiễn quan trọng nhất của nghiệp vụ sư
phạm hiện đại, với nguyên tắc vàng là học sinh tự làm ra sản phẩm
GD cho chính mình, nguyên tắc vàng là không đưa đến cho học sinh sản
phẩm làm sẵn
Việc làm trong thực tiễn sư phạm là một quá trình diễn ra
tuyến tính trong thời gian một chiều, quá trình thiết kế theo một chuỗi
thao tác.
Thao tác là đơn vị nhỏ nhất, được tổ chức tuyến tính theo một
trật tự nghiêm ngặt.( Nếu thay đổi trật tự sẽ là một kết quả tồi).
Hệ thống việc làm và các thao tác trong dạy học TV1 CGD được
thiết kế cho từng mẫu, từng bài cụ thể. Nếu nội dung được thiết kế
theo 4 bài thì phương pháp dạy học được chia thành 5 mẫu tương ứng.
Mẫu 0: Dành riêng để dạy các tiết chuẩn bị để HS làm quen.
Các bài trong mẫu 0 được thiết kế với hệ thống 3 việc làm .
Tuy nhiên các thao tác trong mỗi việc làm ở mẫu 0 thường không giống
nhau mà linh hoạt theo từng nội dung
cụ thể.
Mẫu 1: Tiếng
Mẫu 2: Âm
Mẫu 3: Vần
Mẫu 4: Nguyên âm đôi
Mẫu 5: Luyện tập tổng hợp.
Ngoài mẫu 0, các mẫu còn
lại đều được thiết kế theo qui trình 4 việc. Trong mỗi việc bao gồm
các thao tac nhỏ. Các thao tác này không hoàn toàn giống nhau trong
từng bài. Vì vậy GV cần đọc kĩ để hiểu rõ vì sao lại phải tuân thủ
theo trật tự việc làm cũng như các thao tác dã được thiết kế. Cần
phải hiểu rằng qui trình công nghệ nếu tùy tiện có thể thay đổi
được thì nó không còn là qui trình công nghệ nữa. Vậy làm thế nào
để GV có thể làm tốt được?
Qua nghiên cứu tài liệu và thực tế dạy học trên lớp của GV, để
giúp GV dễ hiểu hơn thì việc dạy học toàn bộ chương trình TV1 theo tài liệu
CGD có thể khái quát thành một hệ thống gồm 16 việc làm như 16 bước
tiến như sau:
Việc 1. Việc 1 là cơ hội đầu tiên
thầy giáo tổ chức cho học sinh gặp gỡ vói đối tượng lĩnh hội, đối
tượng mà từ đây các em sẽ khai thác từ nó những vấn đề về ngữ âm
TV. Đó là “Tiếng” với vật liệu để tiếp cận là 2 câu thơ về Bác Hồ:
Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Nghiệp vụ sư phạm trong CGD dùng cả 4 “ cỡ” âm thanh mà ta quen
gọi là “ To- Nhỏ- Nhẩm –Thầm” để kiểm soát quá trình đọc của các em.
Trong việc 1 HS được 2 điều: Được cung cấp vật liệu để làm việc ở
hình thái âm thanh và được huấn luyện cách ghi nhớ với thao tác
T-N-N-T.
Rõ ràng ở đây ngay từ việc 1 không có hiện tượng thầy giảng
giải- trò ngồi nghe mà thầy chỉ cung cấp vật liệu; thầy làm mẫu-
trò làm theo. Thế thôi.
Việc 2: Việc 2 làm lại việc 1 trên một hình thái khác của đối tượng,
bởi trên hình thái âm thanh thì các vật liệu sau khi nói ra nó sẽ tan
ngay, HS không kịp thao tác và khó nhận diện nó. Do vậy, nghiệp vụ SP
hiện đại tìm cho nó một vật thay thế bằng một đồ vật ba chiều( một
khối nhựa, một cái khuy…). Thầy lại giao việc và chỉ làm mẫu: Mỗi
một tiếng nói ra thì tay lấy 1 khối nhựa đưa lên rồi đặt xuống bàn, xong
lại chỉ vào khối nhựa đọc lại.
Bước 2 trong việc 2 là giúp HS tiếp tục thay thế các quân nhựa
bằng các hình vẽ 2 chiều( H.vuông, HCN..) rồi đọc lại.
Như vậy 3 thao tác trong việc 2: Nói- dùng vật thay thế- nói
lại sau này sẽ là ba thao tác viết chính tả: Nghe rõ- viết đúng-
đọc lại.
Việc 3: Việc 3 với vật liệu cũ, cách làm cũ nhưng thêm một lưu ý mới
“tiếng đọc giống nhau thì thay bởi vật giống nhau” từ đó HS có thêm
chất liệu mới đầu tiên hay nói là kiến thức TV đầu tiên đó chính
là: Có tiếng giống nhau, có tiếng khác nhau.
Việc 4: Việc 4 phát hiện ra nét đặc trưng của Tiếng Tiếng việt: Tv
có 6 thanh( chất liệu mới) HS có thêm chất liệu mới này HS sẽ hiểu biết cụ thể hơn. Một bước phát triển mới.
Tiếng có 6 thanh là nét đặc trưng độc đáo của Tiếng Việt. Lấy
thanh ngang làm cữ, HS nhận ra 5 thanh còn lại: Huyền, sắc, hỏi, ngã,
nặng.
Việc 5: Việc 5 lấy tiếng thanh ngang để phân giải tiếng ra 2 phần:
Phần đầu, phần vần qua các thao tác phân tích, mô hình hóa. Dùng mô
hình để cố định sản phẩm:VD: sen:
phần đầu s phần vần en
Việc 6. Việc 6 Dùng các sản phẩm đã có cho mục đích mới- học cách đánh vần.
Việc 7. Việc 7 tổng kết một chặng đường đi để HS hiểu được cụ thể
hơn về đối tượng lĩnh hội đầu tiên: Tiếng. Phát hiện ra 3 phần của
tiếng: Phần đầu, phần vần, phần thanh.
Đến đây học sinh hoàn thành bài Tiếng để chuyển sang bài Âm.
Việc 8. Việc 8 HS thực hiện phân giải tiếng đến từng âm vị qua các thao
tác: phát âm, phân tích tiếng Ba để có âm vị a,bờ. Bằng cảm nhận
luồng hơi đi ra khi phát âm a, bờ HS biết về Nguyên âm, phụ âm.
Việc 9: Dùng chữ thay âm.
Qua việc 9, nghiệp vụ sư phạm giúp cho HS tìm hiểu mối quan hệ
vật thật- vật thay thế bằng cách phát âm và viết chữ. Việc 9 làm ra
vật thay thế cho Âm đó chính là Chữ viết.
Việc 10: Đưa luật chính tả vào dạy ngay khi gặp lần đầu tiên..
Việc 11: Xác định các nguyên âm và phụ âm trong Tv, Phân loại các nguyên
âm tròn môi hay không tròn môi chuẩn bị cho học vần mới với việc 12.
Việc 12. Làm tròn môi các nguyên âm không tròn môi, tạo ra vần với tên
gọi âm đệm, âm chính
Việc 13: Cung cấp luật chính tả về âm đệm, luật chính tả dấu thanh.
Việc 14. Xác định vần có âm cuối với sự xuất hiện của 2 âm chính ă,
â. Mẫu an, oan.
Việc 15: Xác lập lại mối quan hệ giữa 4 mẫu. Lấy mẫu 1 làm căn cứ
sản phẩm của việc 15 là cấu trúc ngữ âm của tiếng, của bất cứ
tiếng nào từ tiếng có 1 thành phần( âm chính) đến tiếng có đủ 4 thành
phần.
Công nghệ học thiết kế quá trình với 15 việc( 15 công đoạn lớn)
làm ra các sản phẩm tất yếu, cân đong đo đếm được. Đi bước nào chắc
bước đấy, đi đến đâu, chắc đến đấy.
Việc 16. Việc cuối cùng với bài 4. Mẫu nguyên âm đôi. Làm mẫu với âm
chính iê, tạo các vần mới từ âm chính iê, học luật chính tả
với 4 cách viết âm đôi iê.
Như vậy có thể nói bản tuyên ngôn 16 việc làm là toàn bộ
những gì mà HS lớp 1 cần hoàn thành trong năm học. Hoàn thành một
việc là bước thêm được một bước trong chặng đường đầu tiên của con
đường học tập. Giúp GV hiểu được 16 bước ngoặt ấy trong tiến trình
dạy học là việc chuẩn bị của chúng ta đã cơ bản đầy đủ, và đã có
thể tự tin để bước đi. Dẫu vậy trong chặng đường sắp đi ấy HS có thể
sẽ gặp khó khăn gì và BGH cần làm gì để GV có thể cùng HS khắc
phục khó khăn?
Một số những lưu ý:
Hai tuần đầu: Khó khăn mà học sinh gặp phải đó là phải thay đổi và làm
quen với môi trường học tập mới, khác hẳn với giai đoạn trước, khi
còn học ở trường Mầm non. Do vậy duy trì hoạt động học trong một
khoảng thời gian dài là khó khăn đầu tiên của HS. Bên cạnh đó CGD còn
bắt buộc HS làm quen với một loạt các qui định mới chuẩn bị cho
việc học một cách bài bản. Học cách ngồi, cách nhận lệnh, cách sử
dụng ĐDHT.. giai đoạn này nếu GV làm việc không khoa học thì rất khó
có thể tập cho HS được thói quen cần thiết phục vụ cho các HĐ học
sau này.Vì vậy BGH cần lưu ý GV phải nhất quán trong việc sử dụng
các kí hiệu, tín hiệu và trong qui định cách thức làm việc với học
sinh. Cần gương mẫu thực hiện các qui định đó trong suốt quá trình
lên lớp. Nếu được thì nên thống nhất trong toàn trường để dễ dàng
khi dạy thay. Cũng cần phải lưu ý GV tận dụng thời gian này để giúp
HS chuyển dần từ HĐ chơi sang hoạt động học với việc tổ chức các
trò chơi. Tổ chức tốt các trò chơi không chỉ giúp HS thư giãn, thay
đổi trạng thái, tạo hứng thú mà còn có tác dụng rèn một số các
kĩ năng cơ bản cần thiết cho việc học về sau.
Bài Âm: Cần thuần thục 4 việc và 5 thao tác. 4 việc gồm : Chiếm lĩnh
ngữ âm, viết, đọc, viết chính tả, và 5 thao tác gồm: Nghe rõ; nói
rõ; phân tích tiếng, vần, âm; lập mô hình và vận dụng mô hình.
Trong bài ÂM cơ bản về kiến thức không khó nhưng do học sinh chưa
được làm quen với chữ cái như trước đây nên trong một khoảng thời gian
ngắn với tần suất xuất hiện của tất cả các âm một cách liên tục
trong 6 tuần liền nên học sinh không nhớ kịp. Do vậy, điều cần lưu ý
khi dạy mẫu này là phải lưu ý làm tốt việc 0 để củng cố các âm đã
học. Không chỉ củng cố, nhắc lại một âm kề trước mà phải nhắc lại
tất cả các âm đã học trước đó theo một thứ tự nhất định. Sau mỗi
bài Gv cần bổ sung và lưu giữ trên bảng các âm đã học theo thứ tự
bảng chữ cái. Phần này cũng cần vận dụng tối đa bộ thiết bị dạy
học TV1 bao gồm bộ chữ rời, bảng .. trong các hoạt động tiếp nối
hoặc trong dạy học buổi 2. Cần tổ chức thêm nhiều các hoạt động trò
chơi để giúp HS tái hiện và ghi nhớ các âm tiếng Việt dưới dạng các
chữ ghi âm.
Bài Vần: Đây là bài dài và khó không chỉ đối với HS mà còn khó đối
với cả GV. Phần này vận dụng nhiều về kiến thức ngữ âm trong việc
nhận diện, xác định âm đệm, âm chính, âm cuối. Yêu cầu chính xác khi
đưa vào mô hình và phân tích cấu tạo của vần. Đến đây, hạn chế thấy
rõ là học sinh đọc chậm và vấn đề này tồn tại khá lâu trong quá
trình dạy TV1 năm nay. Vậy nguyên nhân là do đâu? Rất dễ hiểu. Mỗi ngày
học sinh học từ 2 đến 6 vần mới. Nhớ được vần đã khó, lại thêm rất
nhiều tiếng mới được tạo thành từ mỗi vần khiến học sinh phải hoàn
thành một lượng công việc quá nhiều, do đó khó có thể nhớ kịp. Cứ
như vậy liên tục trong nhiều tuần dẫn đến việc học sinh đọc chậm. Bên
cạnh đó, việc Gv chỉ được đơn thuần dùng chữ viết thường khi viết
bảng cũng gây khó khăn không nhỏ cho HS khi chuyển sang đọc sách giáo
khoa. Do vậy để khắc phục vấn đề học sinh đọc chậm BGH cần quán
triệt và hướng dẫn GV làm tốt những việc sau.
Thứ nhất: Chú trọng dạy cách đánh vần cho học sinh.
Để đọc được, HS buộc phải đánh vần. Quá trình đó diễn ra
nhanh hay chậm là phụ thuộc vào khả năng của từng em. Nhưng để đảm
bảo chắc chắn mỗi em đều đọc được thì cần dạy kĩ cách đánh vần.
CGD chú trọng vào thao tác phân tích mà không nói nhiều đến cách
đánh vần, do đó hầu hết GV khi lên lớp chỉ nhất nhất theo qui trình
mà không biết điểm nhấn, nên khi phân tích thì học sinh làm được (do
đã nghe bạn làm, cô làm trước đó). Thế nhưng, cũng tiếng đó lát sau quay
lại hỏi thì HS không đọc được, và dĩ nhiên, trong quá trình phân tích
thì thao tác đầu tiên là đọc trơn, nếu không đọc trơn được thì cũng
không phân tích được. Vậy cần dạy đánh vần như thế nào và vào lúc
nào trong qui trình CGD?
VD: Khi dạy vần iên chẳng hạn. Sau khi phát âm vần iên, bằng thao tác phân tích giúp
học sinh nhận ra vần iên có 2 âm,
âm chính iê và âm cuối n. Ngay lúc đó GV cần hướng dẫn
cách đánh vần: ia- nờ – iên, lưu ý cách đánh vần trong công nghệ GD
phải đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ. Trước đây vần iên đánh
vần là i-ê-n-iên, còn CGD thì
phải đánh vần là /ia/- /nờ/- /iên/ . Cần cho lệnh
rõ ràng: Đánh vần vần iên: HS /ia/nờ/iên/,
nối tiếp đánh vần cá nhân- nhóm- tổ..để khắc sâu cách tạo ra vần
mới từ 2 âm iê và n đã học. Bước
tiếp theo mới đưa vần vào mô hình, chỉ trên mô hình và đọc. Nhấn
mạnh cách đánh vần là cơ sở để HS đọc, do vậy tôi luôn nhắc GV không nên chỉ chú trọng
đến phân tích mà làm mờ nhạt phần
đánh vần. ( Thực tế nhiều em khi được yêu cầu đánh vần thì đều phân
tích, những em không đánh vần được thì cũng không phân tích được).
Bản thân HS cũng cần được GV nói rõ làm như thế nào là phân tích,
làm như thế nào là đánh vần để các em thực hiện khi có yêu cầu.
Thứ hai: Cần lưu ý việc viết bảng của GV.
Nếu lớp học có nhiều HS yếu thì không nên quá máy móc trong
việc sử dụng chữ in thường hay viết thường lên bảng lớp. Để thuận
lợi hơn cho HS GV có thể sử dụng chữ
in thường khi viết các tiếng khó để HS luyện đọc. Ngoài ra, quan
trọng hơn GV cần phải biết lựa chọn để đưa lên bảng các tiếng mới
dễ hiểu, thông dụng trong số các tiếng học sinh nêu ra. Với bài có
vần khó và nhiều vần thì chỉ nên chọn những tiếng có nghĩa, thường
hay sử dụng để ghi bảng.( Mỗi bài GV cần phải nghĩ xem nên viết
tiếng nào, từ nào). Đặc biệt nếu dạy cặp vần thì có thể chọn ghi một
số cặp tiếng chứa các vần vừa học để ghi lên bảng: VD: on-ot, ôn-ôt;
ơn - ơt nếu ghi tiếng cho từng vần thì sẽ rất nhiều, do đó có thể
cho HS viết vào bảng con, đọc các tiếng mới sau đó nâng cao yêu cầu
để tìm cặp tiếng chứa cặp vần mới học
để ghi bảng. Trong trường hợp 3 cặp vần trên có thể chỉ
ghi 3 từ: chon chót, tôn tốt, xơn
xớt ….sau đó cho HS luyện đọc lại, nếu còn thời gian có thể cho HS
tìm thêm.
Thứ ba. Cần tăng cường luyện đọc theo 4 mức độ, vận dụng có
hiệu quả thao tác đọc thầm.
3. Vào cuộc ngay từ đầu và luôn đồng hành cùng với GV.
Để có được sự hỗ trợ kịp thời thì ngay từ đầu, khi triển
khai chương trình TV1 CGD BGh cần có sự phân công cụ thể người phụ
trách, thực sự vào cuộc cùng với giáo viên. Bắt đầu từ việc họp
phụ huynh, tuyền truyền để cho PH hiểu, tin tưởng vào phương pháp dạy
học mới cho đến việc dạy học các bài,các mẫu sau này. Trong đó
việc theo sát, hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc dạy học tuần 0 là
yếu tố cơ bản ban đầu cho việc thực hiện dạy học về sau. Đối với
các trường có nhiều lớp 1 BGH cần theo dõi để rút kinh nghiệm giảng
dạy cho lớp này thông qua các lỗi của lớp kia và ngược lại những
sáng tạo của lớp này có thể trao đổi cho lớp khác trên tinh thần phù
hợp với đối tượng học sinh và năng lực của GV.
Qua mỗi bài, mỗi mẫu BGH cần có sự kiểm tra, so sánh để tìm
ra những lỗi mà học sinh và GV mắc phải trong quá trình thực hiện.
Trong trường hợp có những vấn đề bất cập nảy sinh, những vấp váp
trong thực hiện hoặc hiệu quả chưa đạt như mong muốn thì BGH phải là
người cùng GV tìm biện pháp tháo gỡ. Không phó thác hoàn toàn cho
Gv, không chỉ biết kiểm tra, đánh giá mà nếu cần phải bắt tay vào
làm cùng GV, phải tư vấn kịp thời để GV có thể tự tin dạy học và
ngày một thạo nghề.
4. Thường xuyên thăm lớp dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm dạy
học.
Giúp đỡ, chia sẻ không thể thực hiện được nếu không thường
xuyên thực hiện dự giờ thăm lớp. Những ngày đầu, tháng đầu việc dự
giờ của BGH đối với dạy học CGD cần phải làm mỗi ngày. Hôm nay
người này, mai người kia hoặc mỗi người 1 việc. Dự giờ CGD cần tập
trung vào những vấn đề sau:
- Thao tác và ngôn ngữ của GV
CGD đòi hỏi sự ngắn gọn, chính xác một cách khoa học. Do vậy,
ngay từ đầu GV cần tập một thói quen làm việc khoa học, nề nếp để
tạo thói quen cho HS. Các tín hiệu, kí hiệu đưa ra cần rõ ràng, dứt
khoát và nhất quán. Lời nói, lệnh phải đủ to, rõ và dễ hiểu. Tuyệt
đối không lệnh nhiều lần cho một yêu cầu, không nhắc lại nội dung giao
việc để tập thói quen tập trung chú ý cho học sinh. Nhận xét nhắc
nhở phải nhẹ nhàng, chú trọng nhận xét cá nhân.
- Việc thực hiện qui trình dạy học theo thiết kế
Qui trình trong dạy học TV CGD là một qui trình cứng. Vì vậy
nó có cảm giác là Công nghệ học quá cứng nhắc, tuy nhiên cuối cùng.
may là nó cứng nhắc một cách tuyệt vời, vì đó là con đường ngắn
nhất, an toàn nhất dẫn đến mục đích. Do vậy đã chấp nhận đi theo con
đường của Công nghệ học thì cũng có nghĩa là chấp nhận tuân thủ qui
trình dạy học đã được thiết kế sẵn với qui trình 4 việc và hệ
thống các thao tác được sắp xếp logic, khoa học. Nó đòi hỏi sản
phẩm của từng quá trình, từng việc riêng biệt. Sản phẩm của việc
này, công đoạn này là nguyên liệu cần thiết cho việc làm sau. Do vậy
dạy học theo qui trình, đảm bảo cho ra sản phẩm của công đoạn này
mới tiếp tục bắt tay vào việc khác là yêu cầu mà mỗi GV phải tuân
thủ. Làm đến đâu, chắc đến đấy. Không có khái niệm sau này dạy lại,
làm lại mà phải đảm bảo chính xác từ đầu. Giai đoạn đầu là giai
đoạn mà GV chưa nhớ qui trình, đang lẫn lộn giữa CGD với hiện hành
thì việc dự giờ, giúp GV điều chỉnh để tuân thủ các bước là hết
sức cần thiết. Nếu GV dạy sai qui trình hoặc bỏ qua thao tác cần
hướng dẫn GV thực hiện lại.
- Khả năng điều hành và tổ chức lớp học theo qui trình CGD.
Cùng với việc dạy học theo qui trình thì việc định hướng giúp
GV điều chỉnh để tạo nên một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa GV và HS
trong suốt tiến trình thực hiện là
một yếu tố quyết định hiệu quả giờ học. Để đảm bảo sự kết hợp
tốt GV cần có khả năng quan sát tốt. Mỗi một lệnh đưa ra cần đảm
bảo là tất cả HS trong lớp đều có thể nghe và thực hiện. Nếu HS
chưa có sự tập trung, Gv chưa nên giao việc mà cần phải có sự ổn
định trước bằng những thao tác phụ. Mỗi một lệnh Gv cần dành thời
gian vừa đủ để đa số HS thực hiện xong. Đảm bảo HS làm việc đồng
loạt, cùng thực hiện một nhiệm vụ, trong cùng một khoảng thời gian
mà GV cho phép, tránh tình trạng GV lệnh nhưng HS chưa làm ngay, hoặc
lệnh này HS chưa làm xong GV đã ra
nhiệm vụ mới. Không tập thói quen rề rà mà phải nhanh gọn, dứt
khoát trong từng thao tác nhỏ. VD: Với thao tác vẽ mô hình: Sau khi
chấm điểm tọa độ HS chỉ việc nối các điểm tọa độ với nhau theo qui
trình với chỉ một lần nhấc bút. Không tô đi tô lại, cố gắng vẽ
thẳng, nếu chưa thẳng nhắc HS điều chỉnh lần sau, không sửa đi sửa
lại, vẽ đi vẽ lại mất thời gian. Viết chữ cùng vậy. Không tạo cho HS
thói quen xóa đi xóa lại để sửa từng nét nhỏ, mà hướng dẫn HS xác
định các điểm tọa độ để định hướng trước khi viết. Nếu chưa đẹp
thì điều chỉnh ở lần viết sau. Với các bài ở mẫu 0 cần thiết có
thể tăng cường thêm thời lượng và nên để GV dạy thay tham gia cùng GVCN
để làm quen, đồng thời giúp HS làm quen với các thao tác của HĐ học tập
mới.
Mức độ, khả năng tiếp nhận của HS đối với lệnh của Gv và nội
dung bài học của mối học sinh cũng có thể khác nhau. Vì vậy yêu cầu
đối với mỗi thao tác, với mỗi học sinh cần phải được GV cân nhắc để
đảm bảo tính vừa sức, phù hợp. VD: Cùng là viết chữ ghi âm m nhưng
có thể có em viết 3 lần nhưng với HS yếu chỉ cần 1 lần trong cùng
một khoảng thời gian nhưng phải viết đúng. Muốn vậy GV cần phải lệnh
từng bước: VD: Viết 1 chữ ghi âm m vào bên trái bảng con. Sau khi kiểm tra
và hướng dẫn những chỗ sai, đa số HS đã xong Gv mới lệnh tiếp: Viết thêm một chữ ghi âm m. Lúc này
GV có thể dành thời gian để hướng dẫn HSY viết đúng. Như vậy có em
có thể viết 2, 3 chữ có em chỉ viết 1 chữ nhưng đều phải viết được.
5. Linh hoạt, mềm dẻo trong chỉ đạo.
Mặc dầu CGD đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong qui trình dạy học
nhưng với chỉ đạo thực hiện, để đạt được yêu cầu về lâu dài, việc thực
hiện cần nhất quán trong mục tiêu nhưng phải mềm dẻo linh hoạt trong
chỉ đạo. Bởi giữa lí thuyết và thực hành luôn tồn tại những vấn
đề mà nếu quá cứng nhắc thì sẽ mang lại kết quả không tốt. Trong
chỉ đạo thực hiện CGD cũng vậy. Có những vấn đề là bất di bất
dịch nhưng cũng có những vấn đề buộc phải linh hoạt để đảm bảo
thực hiện mục tiêu. VD: Mỗi bài học trong chương trình được TK 4 việc và thực hiện trong 2
tiết. Tuy nhiên, muốn chuyển sang việc 2 HS phải có được sản phẩm của
việc 1. Vậy nếu hết thời gian mà HS chưa hoàn thành sản phẩm của việc1
thì buộc phải linh động mềm dẻo về mặt thời gian để HS có thời gian
hoàn thành sau đó mới chuyển sang việc 2. Vấn đề này có thể khắc
phục và điều chỉnh dần khi GV và HS đã quen việc.
6. Tổ chức giao ban, trao đổi, rút kinh nghiệm kịp thời trước,
trong và sau mỗi mẫu.
Các bài dạy trong cùng một mẫu có qui trình và cấu trúc với
các thao tác cơ bản giống nhau. Do vậy trước mỗi mẫu cần có giao ban
để trao đổi về qui trình và PP dạy mẫu đó, thống nhất về các nội
dung chỉ đạo phù hợp với tình hình đơn vị về cả thời lượng, thời
gian cho mỗi bài. Những lưu ý cho từng bài. Trong quá trình thực hiện
nếu có vướng mắc vẫn nên tổ chức giao ban để chia sẻ, trao đổi và
rút kinh nghiệm. Cần cùng nhau phân tích để hiểu vì sao cần phải làm
như thế, nếu làm lệch đi thì ảnh hưởng như thế nào? Chỗ nào cần
điều chỉnh, chỗ nào cần nhấn mạnh..
VD: Khi dạy mẫu Âm GV bắt đầu với bài lập mẫu Ba. HS không chỉ
học 2 âm a,b mà còn từ đó học cách nhận biết nguyên âm, phụ âm. Tuy
nhiên các bài dùng mẫu các thao tác nó không hoàn toàn giống với
bài lập mẫu, thiết kế ghi cụ thể nhưng Gv cần đủ hiểu biết và đủ
tinh tế để nhận ra qúa trình tìm tiếng mới cho mỗi bài một cách
linh hoạt. Khi dạy các phụ âm thì tìm tiếng mới phải là thay các
nguyên âm đã học. Nếu là học nguyên âm thì phần tìm tiếng mới Gv
phải lệnh cho HS: Thay âm đầu bằng các phụ âm đã học…nếu không hiểu
thiết kế mà chỉ máy móc làm theo thì thật sự là rất khó để nhớ.
7. Cần chuẩn bị tốt về CSVC và đồ dùng dạy học cần thiết cho
học TV1 CGD.
Dạy học TV1 CGD không cần quá nhiều TB và ĐDDH. Tuy nhiên những
thứ cần thì không nên để thiếu.
Thứ nhất: Bảng lớp đủ rộng, có dòng kẻ li để thuận tiện cho
Gv khi viết bảng đồng thời đảm bảo độ chính xác cần thiết.
Thứ hai: Bộ chữ cái ghi âm rời cho GV và cho HS. Bộ chữ rời
cần theo quan điểm CGD. VD: các chữ ghi âm ng, ngh, gh, th… chỉ là một
chữ, mỗi chữ phải thể hiện trên một thẻ.
Ngoài ra một số đồ dùng khác GV và HS có thể tự kiếm hoặc
làm thêm.
(Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hoa)
Nguyễn Trang Sưu tầm
No comments:
Post a Comment