Tài liệu được soạn theo một bài viết của Thomas R. McDaniel,
nhan đề "A Primer on Classroom Discipline: Principles Old and New"
(có điều chỉnh chút ít để hợp với Việt Nam).
1. Làm cho học sinh chú ý
Trước khi bạn bắt đầu bài học phải chắc chắn rằng các học
sinh trong lớp chú ý nghe bạn giảng dạy. Đừng cố giảng dạy khi các học sinh
đang ồn ào và không chú ý.
Các thầy cô ít kinh nghiệm đôi khi nghĩ rằng cứ bắt đầu bài
học thì lớp sẽ yên. Đôi khi cách này có kết quả, nhưng làm như thế các em nghĩ
rằng các bạn chấp nhận việc các em không để tâm và cho phép các em nói chuyện
khi các bạn giảng bài.
Phương pháp chú ý có nghĩa là bạn đòi các em phải chú ý trước
khi bắt đầu, nghĩa là bạn sẽ đợi và không bắt đầu cho đến khi mọi người ngồi
yên. Các thầy cô có kinh nghiệm biết rằng đứng im không nói gì cả là điều rất
hiệu quả. Họ sẽ đợi sau khi cả lớp im lặng từ 3 đến 5 giây rồi mới nói và nói bằng
giọng vừa đủ nghe.
Một thầy cô nói giọng nhẹ nhàng thường cũng làm cho lớp học
im lặng hơn là một thầy cô lớn giọng. Học sinh sẽ ngồi im để lắng nghe.
2. Nói thẳng, nói cách trực tiếp
Kỹ thuật nói thẳng là bắt đầu mỗi lớp học bằng cách nói thẳng
cho học sinh biết điều gì sẽ xảy ra. Thầy cô cho học sinh biết là mình và các
em sẽ làm gì trong giờ học này và giới hạn thì giờ cho mỗi việc làm trong lớp.
Cách tốt nhất là dùng chung với cách thứ nhất ở trên bằng
cách cho các em một ít phút vào cuối tiết học để làm những gì các em thích. Thầy
cô có thể kết thúc việc liệt kê các việc làm trong lớp thế này: "Nếu các
em làm theo thầy/cô nói, thầy/cô nghĩ rằng chúng ta sẽ có một ít phút vào cuối
tiết học để các em chơi trò chơi, giải trí, nghe chuyện, nói chuyện..."
Làm như thế, thầy cô biết rằng mình có đủ thì giờ để chờ các
em im lặng mà vẫn đạt được mục tiêu của mình. Chẳng bao lâu, các học sinh cũng
nhận ra rằng thầy cô càng đợi lâu để bắt đầu lớp học thì các em càng có ít thì
giờ tự do ở cuối tiết học.
3. Quan sát
Điểm chính yếu của phương pháp này là đi vòng vòng. Đứng lên
và đi vòng lớp học khi các em đang học hay làm bài để xem các em làm ra sao.
Một thầy cô giỏi sẽ rảo qua cả lớp học trong vòng hai phút
sau khi các em bắt đầu làm bài, để kiểm soát xem các học sinh có làm đúng trang
và đề tên mình trên trang ấy không. Kiểm soát xem có học sinh nào không hiểu đầu
bài để có thể giải thích cho em rõ ràng hơn. Nhờ vậy những em lơ là hay chậm hiểu
có thể bắt kịp và những em đang lơ là chú ý hơn. Tuy nhiên thầy cô không cắt
ngang lớp học để loan báo điều gì trừ khi thấy có một ít em có cùng một trở ngại.
Khi ấy thầy cô nên giải thích cách nhỏ nhẹ cho các em.
4. Làm gương
Các thầy cô nào tử tế, đúng giờ, hăng say, tự chủ, kiên nhẫn
và có óc tổ chức làm gương tốt cho học sinh qua chính thái độ và hạnh kiểm của
mình. Thầy cô nào mà "lời nói không đi đôi với việc làm" sẽ là cái cớ
cho học sinh dễ vô kỷ luật.
Nếu bạn muốn học sinh nói nhỏ nhẹ trong lớp của bạn thì bạn
phải nói nhỏ nhẹ khi đi vòng quanh lớp giúp các em.
5. Dùng dấu hiệu
Khi tôi còn nhỏ, các thầy dạy tôi thường dùng thước kẻ gõ
trên bàn khi muốn chúng tôi chú ý. Có nhiều dấu hiệu thầy cô có thể dùng trong
lớp, như dùng tay, tắt rồi bật điện, thay đổi diện mạo, nhìn thẳng vào em nào
vô kỷ luật. Cần phải chọn dấu hiệu nào bạn muốn dùng trong lớp học cách kỹ lưỡng
và bỏ thì giờ ra giải thích cho học sinh biết bạn muốn các em làm gì khi bạn ra
dấu hiệu ấy.
6. Làm chủ môi trường
Một lớp học phải được trang trí làm sao để các em hứng thú
khi học.
Vì vậy các thầy cô phải mang theo mình đồ nghề để tạo nên bầu
không khí mới mẻ trong mỗi lớp học cho phù hợp với bài học mình dạy. Đôi khi thầy
cô nên đem theo những hình ảnh kỷ niệm của mình để chia sẻ với học sinh. Phải
làm sao để các em cảm thầy gần gũi thầy cô là một điều thích thú. Càng biết và
mến yêu thầy cô nhiều, các em càng muốn làm vui lòng thầy cô bằng cách giữ kỷ
luật, không phải vì sợ mà vì không muốn thầy cô buồn.
7. Can thiệp một cách ôn tồn
Hầu hết các học sinh bị gửi lên ban giám hiệu vì cãi nhau hoặc
cứng đầu với thầy cô. Tình trạng này xảy ra vì các thầy cô nóng nảy hay không
biết cách giải quyết vấn đề nên thầy trò trở thành đối thủ với nhau. Chúng ta sẽ
tránh được nhiều trường hợp như thế nếu chúng ta bình tĩnh và ôn tồn giải quyết
vấn đề với tư cách của một vị thầy.
Một thầy cô giỏi phải cố gắng làm sao để không biến một học
sinh thành trọng tâm để mọi người chú ý đến. Thầy cô đi vòng lớp học, tiên liệu
những gì có thể xảy ra trườc khi nó xảy ra. Đối xử với những học sinh vô kỷ luật
một cách tự nhiên, mà không làm các học sinh khác bị lơ là.
Trong lúc giảng bài, thầy cô hãy dùng phương pháp "nhắc
tên". Nếu thấy em nào nói chuyện hay nghịch, thầy cô nhắc đến tên em đó
trong bài giảng một cách thật tự nhiên. Thí dụ: "Hùng, em có thấy kết quả
này thú vị không?" Đang nói chuyện, tự nhiên Hùng nghe thấy thầy cô nhắc đến
tên mình, em sẽ trở lại nghiêm túc mà cả lớp không để ý.
8. Áp dụng kỷ luật cách cương quyết
Đây là cách kỷ luật độc đoán nhưng rất có hiệu quả vì học
sinh rất sợ sự nghiêm khắc. Thầy cô làm chủ và không học sinh nào có quyền làm
trái luật hay làm phiền các học sinh khác trong lớp học. Muốn thế thì phải đưa
luật ra một cách rõ ràng và phải áp dụng cách tuyệt đối.
9. Ra lệnh cách quả quyết: Thầy muốn...
Đây là một phần của cách thứ 8. Dùng để đương đầu với những
học sinh vô kỷ luật. Nói thẳng cho các học sinh này biết là các em phải làm gì
một cách rõ ràng. Thầy cô biết dùng phương pháp này phải làm cho học sinh này
chú ý đến điều tốt mình muốn em ấy làm, chứ không phải tập trung vào sự vô kỷ
luật của em. Nói: "Thầy muốn em là...", "Thầy yêu cầu
em..."
Thầy cô có ít kinh nghiệm sẽ nói: "Thầy muốn em không
làm..." hay "Em không được làm...". Nói như thế sẽ làm cho các
em chối cãi và đâm ra tranh luận với học trò vì chúng ta chú trọng đến hành động
vô kỷ luật của các em...
10. Cách nói 3 bước
Dùng ba bước để diễn tả điều bạn muốn nói với một học sinh
phạm kỷ luật:
1. Nói lên việc làm của học sinh: "Trong khi thầy đang
giảng thì em nói chuyện"
2. Nói lên hậu quả cuả việc làm của học sinh: "và như
thế thầy phải ngưng giảng..."
3. Cho học sinh này biết bạn cảm thấy ra sao: "Thầy thấy
buồn."
Một thầy cô nói với một em nghịch nhất lớp rằng: "Thầy
không biết thầy đã làm gì mà em không kính trọng thầy như các em khác trong lớp.
Nếu thầy đã nóng nảy hay làm gì cho em buồn, làm ơn cho thầy biết. Thầy có cảm
giác là thầy đã làm gì cho em bất mãn nên em tỏ ra không kính trọng thầy."
Và học sinh ấy không còn nghịch trong lớp nữa.
11. Kỷ luật có tính tích cực
Dùng những điều luật diễn tả những hạnh kiểm tốt bạn muốn học
sinh học tập, chứ đừng liệt kê những điều học sinh không được làm. Thay vì nói
"không được chạy trong phòng" thì nói "đi thật trật tự trong
phòng." Thay vì nói "không được đánh nhau" thì nói "giải
quyết các vấn đề cách ổn thỏa." Thay vì nói "đừng nhai kẹo cao
su" thì nói "để kẹo cao su ở nhà." Nói đến các điều luật như là
những điều bạn mong muốn các em làm. Hãy cho các học sinh biết rằng đây là những
điều bạn mong các em giữ trong lớp học.
Đừng tiếc lời khen. Khi thấy em nào có hạnh kiểm tốt, thì
hãy nhìn nhận ngay. Không cần phải nói ra lời, chỉ cần mỉm cười hay cử chỉ là
có thể khuyến khích các em.
Tài liệu trên nhiều trang giáo dục của Việt Nam
1. Đặt nội quy ngay từ đầu
Nhiều giáo viên thường mắc lỗi bắt đầu một năm học mới với kế
hoạch cho các quy tắc rất lỏng lẻo. HS nhanh chóng nắm bắt được các tình huống
trong mỗi giờ học và nhận ra những gì chúng sẽ được cho phép, những lỗi nào được
bỏ qua.
Một khi GV "lờ" đi những sự quậy phá hoặc những
nguyên tắc trong lớp học không đủ mạnh để chấn chỉnh, dập tắt các trò nghịch ngợm
thì rất khó để bắt đầu hay tiếp tục điều khiển lớp tốt hơn. Vì vậy ngay từ đầu,
GV phải đề ra nội quy rõ ràng và tuân thủ nó.
2. Công bằng là chìa khóa
HS hoàn toàn có thể phân biệt điều gì là công bằng và điều
gì thì không. Vì thế, GV phải đối xử bình đẳng đối với tất cả HS nếu mong được
HS tôn trọng.
3. Giải quyết những rắc rối với càng ít sự gián đoạn càng tốt
Nếu có một vài HS đang nói chuyện riêng và bạn đang đưa ra
câu hỏi trong phần giới thiệu bài mới, gọi một trong các HS đó đứng dậy trả lời
câu hỏi của bạn để thu hút HS quay trở lại bài học.
Nếu bạn phải dừng mạch bài học để giải quyết rắc rối thì bạn
đang "đánh cắp" thời gian quý báu học tại lớp của những HS hiếu học.
4. Tránh các vụ gây lộn trong lớp học
Bất cứ khi nào có đánh nhau, cãi vã giận dữ trong lớp học
thì sẽ có một người thắng và một người thua. Dĩ nhiên với vai trò là một GV, bạn
cần phải giữ trật tự và quy tắc trong lớp học.
Tuy nhiên, nên giải quyết những vấn đề vi phạm kỉ luật mang
tính cá nhân riêng tư (bên ngoài lớp học) tốt hơn là làm HS "mất mặt"
trước bạn bè.
5. Ngừng sự phá rối với một chút hài hước
Đôi khi những tiếng cười lại giúp "kéo" mạch lớp học
trở lại như cũ. Tuy nhiên, nhiều GV nhầm lẫn giữa những câu hỏi hài hước với lời
châm chọc.
Trong khi sự hóm hỉnh có thể nhanh chóng "hóa giải"
tình huống sư phạm thì lời mỉa mai có thể làm tổn thường mối quan hệ của bạn với
học trò tham gia vào. Hãy dùng việc đánh giá tối ưu nhất nhưng hãy nhận ra rằng
có những điều học trò này nghĩ là trò vui, học trò kia lại nhận thấy bị xúc phạm.
6. Giữ niềm tin tưởng lớn trong lớp
Hãy tin tưởng rằng HS là những trẻ ngoan ngoãn, chứ không phải
là quậy phá. Tăng cường điều đó thông qua cách bạn nói với học trò. Khi bạn bắt
đầu một ngày học mới, bạn hãy nói những mong muốn của bạn với học trò.
7. Kế hoạch dự trù
Giáo viên nên tránh thời gian "chết" trong giờ học.
Nếu trong thời gian rảnh rỗi đó, bạn cho phép học sinh nói và nói mỗi ngày, tự
bạn tạo cho các em một thói quen xấu - nói chuyện. Để tránh điều này, hãy lên kế
hoạch dự trù, đưa thêm các hoạt động vào phần cuối của giáo án.
8. Luôn luôn nhất quán
Một trong những điều tệ nhất mà người giáo viên mắc phải là
không nhất quán trong việc thực thi nội quy lớp học. Nếu một ngày bạn
"lơ" đi một trò quậy phá trong lớp, một thái độ học tập thiếu nghiêm
túc, và ngày hôm sau bạn chì chiết một HS vì một lỗi nhỏ, HS của bạn sẽ nhanh
chóng mất đi sự kính trọng đối với bạn.
9. Hãy đặt ra các nội quy có thể hiểu được
Bạn cần chọn ra nguyên tắc của bạn. Bạn cũng cần làm cho các
nguyên tắc thật rõ ràng. HS cần hiểu cái gì được và cái gì không được chấp nhận.
Hơn nữa, bạn nên lường trước hậu quả nếu bạn phá bỏ nguyên tắc.
10. Bắt đầu mỗi ngày học sảng khoái
Bạn nên bắt đầu buổi dạy mỗi ngày với sự tin tưởng HS sẽ
ngoan. Không nên có định kiến rằng HS này luôn quậy phá giờ học hàng ngày trong
tuần, thì hôm nay em lại sẽ nghịch ngợm. Do đó, bạn sẽ không đối xử với HS ấy một
cách khác biệt làm em đó gây mất trật tự thêm
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment